Sốt virus tăng mạnh tại Hà Nội

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có 100-200 trẻ đến khám, trong đó một phần ba là sốt virus. Bệnh có thể tự khỏi tuy nhiên nhiều cha mẹ tự ý mua thuốc kháng sinh cho con, bệnh không khỏi mà trẻ còn bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt virus (hay sốt siêu vi trùng, sốt dịch) thường xảy ra rải rác quanh năm. Thời điểm này đang vào mùa sốt dịch, nên số trẻ mắc cũng nhiều hơn.

Bệnh do nhiều loại virus gây ra, nhóm hay gặp nhất là virus đường hô hấp (ngoài ra còn có virus đường tiêu hóa...). Vì là virus đường hô hấp nên bệnh lây thành dịch nhanh, cả người già, trẻ nhỏ, thanh niên... đều có thể bị, có gia đình cả nhà cùng mắc.

Biểu hiện của bệnh chủ yếu là sốt, với nhiều mức độ từ nhẹ đến rất cao. Thời gian sốt cũng có thể rất ngắn 1-2 ngày, có người thì hàng tuần. Vì thế, nhiều người cứ nghĩ phải sốt thật cao, kéo dài hàng tuần mới là sốt virus là không đúng. Việc sốt cao hay thấp, thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào tuýp và loại virus, sức đề kháng của cơ thể và các yếu tố khác bên ngoài tác động như ăn uống..., bác sĩ Dũng cho biết.

Ngoài ra còn có các triệu chứng toàn thân như: đau đầu, đau toàn thân, ho, chảy nước mũi, hắt hơi.... Một số trường hợp có thể nôn hoặc đi ngoài (ngày 1-2 lần), thậm chí có người đau cả khớp nhưng ít gặp.

Theo bác sĩ, với biểu hiện sốt mà không thấy nhiễm trùng ở đâu thì người bệnh nên nghĩ đến sốt virus. Bệnh thường tự khỏi, không gây nguy hiểm, trừ những trường hợp cúm A hay gây biến chứng.

Sốt virus không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể điều trị hỗ trợ để giảm bớt các triệu chứng. Chẳng hạn, nếu thấy sốt cao người bệnh có thể dùng thuốc hạ sốt. Đặc biệt, việc hạ sốt với trẻ nhỏ rất quan trọng vì nếu sốt cao quá có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là co giật. Bên cạnh đó, có thể uống một số loại vitamin hỗ trợ cho người đỡ mệt mỏi.

Việc uống nước cũng rất quan trọng, vì sốt cao cơ thể bị mất nhiều nước. Tuy nhiên, không nhất thiết phải uống oresol, trừ trường hợp trẻ đi ngoài, nôn trớ nhiều.

Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, khi bị sốt virus, điều quan trọng là cần được nghỉ ngơi, để cơ thể dồn tất cả sức lực thải virus ra ngoài. Vì thế, nếu trẻ vừa mới hạ sốt, cha mẹ không nên để con đi học, chạy nhảy tung tăng, nếu không bệnh sẽ lâu khỏi. Người lớn cũng nên nghỉ làm, vừa để khỏe hẳn vừa tránh lây bệnh sang cho người khác.

Bên cạnh đó, cũng phải ăn ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vì nếu sức đề kháng kém, cơ thể có thể tái nhiễm lại nhiều lần, có trường hợp vừa đỡ mấy ngày đã sốt lại.

Cũng theo bác sĩ, vì sốt thường kéo dài, lại không có thuốc đặc hiệu nên nhiều người vì muốn khỏi bệnh thật nhanh nên thử uống đủ loại thuốc. Điều này là không nên vì uống thuốc không đúng bệnh thường hại nhiều hơn lợi. Đặc biệt là thuốc kháng sinh, không có tác dụng gì mà uống hóa chất vào, người càng mệt hơn.

Ngoài ra, việc truyền dịch cũng phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ. Việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi do sốt virus lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm.

"Chưa ai chứng minh việc truyền dịch có thể hạ sốt. Hơn nữa, người đang mệt mỏi mà đi truyền rất nguy hiểm, có người chết chỉ vì truyền dịch", bác sĩ Dũng nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, virus luôn có ở trong không khí vì thế biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt cần lưu ý với trẻ nhỏ, nếu ngoài sốt mà không có biểu hiện bất thường nào khác thì cha mẹ chỉ cần cho uống thuốc hạ sốt. Khi có thêm những triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, ho, sổ mũi... thì nên đưa trẻ đi khám.

Nguồn:  Sốt virus tăng mạnh tại Hà Nội

0 comments:

Post a Comment