Bệnh viêm não và tiêu chảy ở trẻ tăng đột biến

Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua làm trẻ mắc bệnh gia tăng đột ngột, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải...

Sau một đêm thành...ngớ ngẩn

22h ngày 1/7, các giường bệnh trong phòng cấp cứu Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đều kín chỗ, trẻ phải nằm ghép đôi, ghép ba. Những cơn đau, những đợt sốt cao khiến các bệnh nhi gào khóc, có bé khóc ré lên khi vừa nhìn thấy bác sĩ cầm kim tiêm. Chúng quá sợ vì ngày nào cũng phải tiêm kháng sinh liều cao (3 mũi /ngày). ở cuối phòng, một bà mẹ trẻ ngồi như chết lặng. Vẻ mặt thẫn thờ, tay vỗ vỗ xuống tấm đệm nước để mát - xa lưng cho con. Đêm nào chị cũng ngồi túc trực bên con, không ngủ.


Giàn giụa nước mắt, chị Hoa, mẹ cháu Phạm Công Mừng, 11 tuổi (Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội) kể: "Hôm nay là tròn 13 ngày cháu nhập viện rồi. Hiện cháu vẫn mê man, phải thở bình ô xy, ăn uống đều phải qua máy xông. Tôi chỉ hi vọng cháu bình phục bằng một nửa khi bình thường cũng đã ơn giời lắm rồi!".

Chị Hoa cho biết, cháu Mừng bị sốt đúng vào đợt nắng nóng trung tuần tháng 6. Hôm đó, khi chị vừa đi làm về thấy Mừng nằm bẹp trên giường, sờ trán con thấy nóng hầm hập, chị bèn đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám. Tại đây, các bác sĩ đã cho siêu âm, chụp X -quang nhưng không phát hiện dấu hiệu gì bất thường. Các bác sĩ kết luận: "Sốt do thời tiết" và kê thuốc rồi cho về điều trị tại nhà. Nhưng chỉ sau một đêm, Mừng lên cơn co giật, sốt cao 41 độ C. Chị Hoa tá hỏa đưa con đến viện Bạch Mai. Mừng nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốt cao, các bác sĩ đã tiến hành chọc dịch tuỷ. Kết quả chẩn đoán: Mừng bị viêm não - màng não. Bác sĩ Ngô Thị Bích (bác sĩ trực buồng bệnh) cho biết: "Trường hợp của Mừng rất nguy kịch. Sốt cao, biến chứng nên bị chạy vào não. Cháu sống dạng thực vật, hầu như không biết gì. Ngày nào cũng có 2-3 người nhà túc trực".

Theo bác sĩ Bích, hiện đang vào thời điểm bệnh viêm não gia tăng. Viêm não virus có thể do nhiều loại virus gây ra. Triệu chứng hay gặp nhất là sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa kèm theo các triệu chứng về tinh thần từ nhẹ đến nặng như: lơ mơ, lú lẫn, mất định hướng, hôn mê và có các triệu chứng về thần kinh như co giật, co cứng, cử động bất thường, liệt.

Khác với trường hợp của Mừng, Đặng Văn Hiếu, 9 tuổi (Bình Bộ, Phú Thọ), sau 4 ngày bị sốt cao, gia đình mới đưa con đến viện khám. Hiếu bị sốt cao kèm dị ứng nổi ban khắp người. Đêm đến, những vết loang đỏ như vết chàm nổi từ chân đến mặt, ngứa ngáy khắp người khiến cậu vật vã không ngủ. Bố Hiếu cho biết, "ngay buổi chiều Hiếu nhập viện, các vết ban đỏ nổi kín người, sốt cao và bị ngất xỉu. Sau khi điều trị tích cực, cháu đã tỉnh táo nhưng bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm".

Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, trong 1 tháng qua, viêm não virus xuất hiện ở 15 địa phương với tổng số 120 ca, trong đó có 7 ca tử vong. TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, hiện đang vào thời điểm bệnh viêm não gia tăng mạnh nhất trong cả nước, và sẽ kéo dài cho tới tháng 8. Các tỉnh phía Bắc là vùng có tỷ lệ mắc viêm não virus cao nhất nước.

Tá hoả vì tiêu chảy

Chị Nguyễn Thị Hương (đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: Con trai chị (6 tuổi), cả ngày chơi đùa không có triệu chứng mệt mỏi gì, nhưng đến buổi chiều cháu bị đau bụng, đi ngoài kèm thêm bị đau đầu và nôn liên tục. Thấy con nôn thốc nôn tháo, chị sốt ruột, đưa con vào viện Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ chỉ định siêu âm ổ bụng. Thế nhưng, sau khi siêu âm cũng không phát hiện rõ nguyên nhân bệnh. Các bác sĩ tiến hành truyền dịch bù nước. Chẩn đoán là do rô -ta vius gây nên. Hiện đã có rấởt nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do tiêu chảy.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, phần lớn bệnh nhi nhập viện có triệu chứng sốt từ 38 độC - 40 độC, có trường hợp sốt đến 41độC, kèm theo các triệu chứng như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, ho, sổ mũi. Đáng chú ý là nhiều bệnh nhi được bố mẹ tự điều trị bằng kháng sinh khi có sốt nên nhập viện mắc thêm bệnh tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh. Cũng theo các bác sĩ, đây cũng là thời điểm miền Bắc bước vào giai đoạn xuất hiện nhiều bệnh nhi bị quai bị.

Theo ghi nhận của PV, tại bệnh viện Nhi TW, Bạch Mai, Xanh- Pôn..., bệnh nhi nhập viện đông như nêm. Phía cổng bệnh viện, bảo vệ phải khá vất vả mới phân luồng, điều chỉnh được lượng xe cộ ra vào bệnh viện. Trong viện, người nhà và bệnh nhi phải ngồi la liệt dưới nền nhà, chân cầu thang, gốc cây ngoài hành lang của bệnh viện.

Liên quan đến bệnh dịch mùa hè, theo Bộ Y tế, đến thời điểm này dịch bệnh cúm A /H1N1 và viêm phổi do virus cúm A /H5N1 có dấu hiệu giảm và gần như không có trường hợp mắc mới trên cả nước, trong khi dịch tả, viêm màng não mủ và viêm gan B lại có chiều hướng gia tăng. Từ giữa tháng 5 đến nay, cả nước đã ghi nhận 19 trường hợp mắc tả mới. Đặc biệt, trong tháng 5 đã ghi nhận 3.388 trường hợp mắc phẩy khuẩn tả tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

Tại Viện Nhi TW, hiện các khoa hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm, sơ sinh luôn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép 2 - 3 trẻ /giường. Số trẻ bị mắc tiêu chảy nhập viện tăng đột biến. Rất nhiều trẻ bị tiêu chảy từ 5-7 ngày, đã uống đủ các loại thuốc không đỡ mới nhập viện, nên tình trạng rất nặng. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức đề kháng giúp trẻ chống chọi lại với bệnh dịch mùa hè.

--------------------------
* Tại Bệnh viện Xanh -Pôn, mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận 500- 600 bệnh nhi, trong đó khá nhiều trẻ bị sốt virus. Tình trạng trên cũng tương tự tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), đợt cao điểm, mỗi ngày có tới hơn 2.000 bệnh nhi tới khám và điều trị. Các bác sĩ cảnh báo, thời điểm dịch sốt virus hoành hành thường là mùa đông xuân. Nhưng do thời tiết này ở miền Bắc độ ẩm không khí rất cao, thời tiết thay đổi thất thường nên các loại virus phát triển mạnh làm gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh lây qua đường hô hấp do virus.

* Trước thông tin về một loại virus gây viêm não mới được phát hiện, TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc có xuất hiện chủng virus gây viêm não mới hay không phải do Bộ Y tế công bố, căn cứ trên đầy đủ các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, TS. Dương cũng cảnh báo, ngoài nguyên nhân quan trọng nhất gây viêm não virus là do viêm não Nhật Bản, các nguyên nhân còn lại có thể do virus Herpes, virus đường ruột, viêm não do biến chứng sau sởi, quai bị, chân tay miệng.

0 comments:

Post a Comment