Tự truyền dịch khi trẻ sốt: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mùa hè, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám trung bình cho 100 - 120 trẻ, 1/3 trong số đó bị sốt virus. Nhiều người hễ thấy con bị sốt virus là đưa đi truyền dịch, song họ không biết rằng việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Truyền dịch không hạ sốt

Thực tế, chưa có tài liệu y khoa nào chứng minh truyền dịch có thể hạ sốt, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể xảy ra bởi tiêm truyền khi cơ thể đang mệt mỏi. Hiện sốt virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bác sĩ chỉ cho dùng thuốc điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng, tránh biến chứng nguy hiểm, nâng cao sức đề kháng... Do đó khi thấy trẻ sốt, cần theo dõi sát nhiệt độ của trẻ từng giờ đến khi đỡ sốt. Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, trong lành, nới rộng quần áo, chườm mát bằng khăn ấm, không nên chườm đá, nước lạnh. Nếu trẻ xuất hiện co giật, rét run thì đưa đi khám ngay.


Để phòng các bệnh do virus, các bậc cha mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho mọi người bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, giữ vệ sinh sạch sẽ, tập thể thao đều đặn. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi nên tiêm phòng đầy đủ, nếu có điều kiện nên tiêm phòng thêm các loại vaccine khác ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trẻ bị sốt, cơ thể sẽ mất nước, muối, các vitamin tan trong nước, đặc biệt vitamin nhóm B, C nên cần luôn bổ sung nước osezol, nước cam, chanh. Cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

Làm gì khi trẻ bị sốt

Khi trẻ bị sốt virus tuyệt đối không tự ý cho uống kháng sinh vì không hiệu quả, còn làm trẻ mệt mỏi và có hại cho sức khỏe bởi thuốc kháng sinh là con dao 2 lưỡi, dùng đúng thì khỏi bệnh, nhưng dùng sai thì rất có hại.

Nếu trong nhà có trẻ, các gia đình phải luôn có cặp nhiệt độ. Khi trẻ sốt 38,50C trở lên cần phải hạ sốt. Thuốc hạ sốt an toàn và phổ biến là Paracetamon, Efferangan dạng viên nén, sủi, thuốc đặt, dùng cách 4- 6 giờ/lần khi sốt. Thuốc đặt hậu môn có tác dụng nhanh như thuốc uống, thuốc sủi, rất tiện lợi. Riêng với viên đặt hậu môn, khi dùng thuốc, không được tự ý nhân hoặc chia liều (không được đặt 2 viên hoặc nửa viên 1 lần, mà phải đặt cả viên 1 lần). Tuy nhiên, loại thuốc đặt luôn yêu cầu khâu bảo quản phải cẩn thận. Không nên cho thuốc đặt vào ngăn đá vì như vậy làm hỏng công dụng của thuốc. Cách tốt nhất là nên đặt loại thuốc này ở cánh tủ lạnh. Khi trẻ thức thì dùng thuốc dạng uống (gói, viên nang, sủi bột, sirô). Thuốc đặt hậu môn dùng hạ sốt khi trẻ ngủ, bị nôn ói. Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

Cần đưa trẻ đến viện ngay nếu sốt kèm các triệu chứng ngủ li bì, khó đánh thức.

Khi nào đưa trẻ đi viện?

Khi trẻ sốt 2 ngày không đỡ, sốt cao, sốt kèm các dấu hiệu ho, khò khè, khó thở, có nôn hoặc tiêu chảy, sốt kèm phát ban, đau tai, chảy nước tai, hoặc sưng đau sau tai, sốt kèm đau đầu dữ dội, đau họng, đau bụng... cần đi khám càng sớm càng tốt.

Trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, trẻ 6 - 12 tháng tuổi, thân nhiệt vượt quá 39 độ C, trẻ ho nhiều, khó thở, nôn ói, sốt kèm tay chân lạnh, không ăn uống được, hoặc có dấu hiệu xuất huyết, nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra có màu, đi ngoài phân đen như bã cà phê... cần đi khám sớm. Đặc biệt, trẻ bị sốt kèm các triệu chứng ngủ li bì, khó đánh thức thì đang đêm cũng phải đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay, không nên tự giảm sốt cho trẻ ở nhà.

Một số trẻ vừa khỏi sốt virus, ít ngày sau lại bị sốt là chuyện có thể xảy ra bởi virus gây bệnh đường hô hấp có hơn 200 tuýp, khỏi sốt tuýp này thì virus khác tuýp trước lại tấn công gây sốt.

Hay gặp nhất là virus đường hô hấp, dễ lây thành dịch. Biểu hiện chủ yếu là sốt kéo dài từ hàng tuần, gây đau đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, ho, chảy nước mũi, hắt hơi... đôi khi có nôn, tiêu chảy, đau khớp.

0 comments:

Post a Comment