Lại bùng phát sốt và tiêu chảy do virus

Tại Hà Nội và những tỉnh lân cận, bệnh nhi sốt và tiêu chảy do virus đang gia tăng, thậm chí còn nhiều hơn thủy đậu . Theo TS Bùi Vũ Huy - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ: Hàng chục cháu phải nhập viện mỗi ngày do 2 bệnh này.

Cảnh báo lạm dụng truyền dịch có thể gây bội nhiễm

Cháu Nguyễn Duy Thế Long (1 tuổi) bị tiêu chảy, bố mẹ đưa cháu đến bệnh viện, và cháu được chỉ định truyền nước. Không may là cháu lại bị vào đúng lúc trời lạnh. Vậy là cùng với cái lạnh thời tiết, chai nước truyền dịch đã làm cho cháu khỏi được tiêu chảy nhưng chuyển sang ho, sốt và lại nhập viện thêm lần nữa vì viêm phổi.

Theo bác sĩ Bùi Vũ Huy, trong điều trị sốt do virus có một thực tế là nhiều bác sĩ lạm dụng truyền dịch hoặc làm theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân nên truyền dịch cho trẻ. Trong khi đó hiện trên thế giới chưa có một nghiên cứu nào cho thấy truyền dịch có tác dụng đối với người bị sốt do virus. Thậm chí nếu truyền dịch không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh còn gây nhiễm trùng máu, gây sốc cho trẻ.

Cũng từ 1 tháng nay, phòng khám bệnh trẻ em của Bệnh viện Saint – Paul và BV Nhi TƯ tiếp tục điệp khúc quá tải. Theo bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Saint - Paul (Hà Nội): Sốt do virus thường diễn biến lành tính và sẽ khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng yếu, không giữ gìn, nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt là trẻ em, virus có thể gây các biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm xoang...

Bác sĩ Thu cho biết thêm: Khi trẻ sốt do virus sẽ kéo dài từ 2-7 ngày với các biểu hiện như sốt, ho, hoặc đi ngoài phân lỏng. Nhưng nếu các biểu hiện trên kéo dài hơn thời gian nói trên cần đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để theo dõi vì có thể biến chứng của sốt virus khiến trẻ ho, đi ngoài nhiều hơn, sốt tái phát với nhiệt độ cao hơn trước. Sốt virus và vi khuẩn rất khó phân biệt do triệu chứng bệnh ít điển hình. Bệnh nhân thường sốt cao 39-40oC, thậm chí cao hơn, người mệt mỏi, đau đầu, nôn, có thể ngạt mũi, ho.

Hiện nay, sốt do virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cách tốt nhất khi trẻ mới mắc bệnh là chăm sóc trẻ tại nhà thật tốt. Theo đó, khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên cần dùng thuốc hạ nhiệt độ, không nên để nhiệt độ tăng cao dễ dẫn tới co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

4 lời khuyên khi trẻ bị sốt

- Trong nhà nên thường xuyên có cặp nhiệt độ, thuốc hạ sốt. Khi thân nhiệt cao trên 38,5 độ C thì dùng một số thuốc hạ sốt như paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng, mỗi lần cách nhau 6 giờ. Không nên dùng liều cao và nhiều lần vì dễ gây ngộ độc paracetamol. Ngoài ra, cho trẻ nằm nơi thoáng mát, nới rộng quần áo, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm, không nên chườm đá, nước lạnh.

- Khi sốt trẻ chán ăn, mệt mỏi nên chú ý cho trẻ uống đủ nước (sữa, nước hoa quả, nước đun sôi để nguội), ăn nhiều bữa trong ngày với thức ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để đảm bảo chất dinh dưỡng giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhanh hồi phục.

- Nhỏ mũi cho trẻ bằng natriclorid 0,9%, nhiều lần trong ngày nhằm làm sạch mũi họng cho trẻ, tránh nguy cơ bội nhiễm mũi họng do vi khuẩn.

- Có thể dùng thuốc giảm ho, long đờm hoặc một số thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Nếu tình trạng không cải thiện, xuất hiện co giật, rét run thì đưa trẻ đến khám tại trung tâm y tế.

0 comments:

Post a Comment