Cách chăm sóc trẻ trong ngày nắng

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ - đối tượng có sức đề kháng yếu. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều trẻ phải vào viện do sốt virus.

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn người lớn

Ngày 5/7, trong cái nắng hầm hập dù chưa đến 9h sáng, khi bước chân vào Bệnh viện Bạch mai, phóng viên Bee.net.vn càng cảm nhận rõ cái mệt do nắng nóng, đặc biệt là ở bệnh nhi.

Nhiều trẻ khóc oặt ẹo, trán tướp mồ hôi, xung quanh là 1-2 người nhà thi nhau quạt. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, hệ thống giải phẫu khác người lớn, mũi bé, hệ thống hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, chức năng các bộ phận chưa hoàn chỉnh…, khi gặp thời tiết khắc nghiệt, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn.

Phải đến một độ tuổi nhất định, qua tiếp xúc với môi trường, bệnh tật, hệ miễn dịch mới tốt hơn và đồng nghĩa với nó là sự đề kháng tốt hơn.


Ở trẻ con, do khả năng điều nhiệt kém nên khi nắng gay gắt, trẻ dễ bị sốt. Nếu sốt thông thường sẽ tự khỏi. Chỉ có điều, nếu không biết cách chăm sóc, để biến chứng co giật hoặc viêm não thì sẽ nguy hiểm.

Thực tế, nhiều gia đình vẫn còn lúng túng khi chăm sóc trẻ, thấy trẻ sốt, có biểu hiện run và ra mồ hôi lại tưởng rét, ủ vào (thay vì cởi bớt quần áo ra và quạt cho mát). Đến khi trẻ co giật mới cuống lên đưa vào viện.

Ngoài sốt do virus, trời nắng, trẻ em còn là đối tượng dễ bị tiêu chảy, mắc các bệnh về đường tiêu hóa nói chung. Vì vậy, các gia đình cần đặc biệt chú ý đến đồ ăn cho trẻ. Tốt nhất với trẻ nhỏ, không cho ăn đồ ăn còn lại từ bữa trước (nhất là đồ ăn thừa mà không để tủ lạnh). Khi mua thực phẩm chế biến, cần chọn thực phẩm tươi, chế biến ngay để phòng nhiễm khuẩn.

Dùng điều hòa, quạt thông gió để phòng sốt

Theo PGS.TS Tiến Dũng, nắng nóng, sử dụng điều hòa là cách tốt để giữ sức khỏe. Nhiệt độ điều hòa thấp so với nhiệt độ thật sẽ giúp cơ thể cân bằng. Nếu không có điều hòa thì phải dùng quạt thông gió, đảm bảo môi trường ở thoáng khí. Khi nắng nóng, cơ thể thoát nhiệt qua da bằng sự tiết mồ hôi.

Để thoát nhiệt, cần có “đối lưu”, tức là có luồng gió chạy qua. Tuy nhiên, cần lưu ý, với một số gia đình ở trong các khu trọ chật chội, mái tôn…, đôi khi dùng quạt còn nóng thêm bởi hơi nóng phả vào người.

Những trường hợp này, nên tính chuyện “sơ tán” để đảm bảo sức khỏe. Bởi với người lớn còn chịu được, chứ để đứa trẻ trong ngôi nhà như vậy, khả năng mắc bệnh do nắng nóng là rất cao.

Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng lưu ý, phải sau một thời gian tiêm chủng, vaccine mới có tác dụng. Việc thấy nắng nóng mới đưa con đi tiêm ngừa bệnh thì sẽ không hạn chế được việc mắc bệnh trong thời điểm này. Trẻ được ăn uống đầy đủ, sức khỏe tốt thì khi gặp thời tiết khắc nghiệt như hiện nay sẽ hạn chế khả năng nhiễm bệnh so với trẻ suy dinh dưỡng.

--------------------------------------
Những ngày qua, ¼ bệnh nhi vào Bệnh viện Mạch mai là do sốt virus, số còn lại là do mắc bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy) và những bệnh khác. Một số trường hợp bị sốt virus và biến chứng thành viêm não.

Theo PGS.TS Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, sốt virus thông thường không nguy hiểm, chỉ là khó chẩn đoán vì dễ nhầm sang những bệnh khác. Tuy nhiên không nên chủ quan mà cần theo dõi để phòng biến chứng co giật, viêm não, đưa trẻ vào viện ngay khi có biểu hiện bất thường.

0 comments:

Post a Comment