Lâm trọng bệnh vì tự làm "bác sỹ"

GiadinhNet - Thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh của người dân khi mắc những bệnh thông thường như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau bụng...đã dẫn tới nhiều hệ luỵ khôn lường cho sức khỏe.

Khi thuốc kháng sinh không còn tác dụng, người bệnh có ít cơ hội chữa trị…

Khi đơn thuốc "nổi giận"

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, theo kết quả nghiên cứu tại 19 bệnh viện Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng giai đoạn 2009 - 2010, sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 với tỷ lệ kháng thuốc từ 66 - 68%, tiếp theo là nhóm aminosid và flouroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.

Chiều 6/4, theo chân PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), chúng tôi đã đến từng giường bệnh để tận mắt chứng kiến những tai biến do người dân tự ý sử dụng thuốc.

Dừng lại bên giường của bệnh nhân Nguyễn Tấn Ngọc (tỉnh Phú Thọ), chúng tôi rùng mình khi thấy khuôn mặt ông đã bị biến dạng, sùi như da cóc. Ông Ngọc cho biết, ông có tiền sử bị đau dạ dày nhiều năm. 10 ngày trước, ông ra hiệu thuốc mua kháng sinh về tự điều trị. Sau bốn ngày dùng thuốc, bệnh không thuyên giảm mà lại thấy nóng trong người, toàn thân nổi ban đỏ, ngứa, loét miệng...

Nằm điều trị nội trú tại trung tâm, chị Mai Thị Vân, 25 tuổi (Hà Nội) cho biết, dù đã từng hai lần bị dị ứng thuốc, nhưng tuần trước, khi bị ho, sốt chị vẫn ra hiệu thuốc mua mấy vỉ Paracetamol và Aspirin. Uống được 2 liều thì toàn thân nổi mề đay, rồi mọc mụn nước, sưng hết cả mặt. Nghĩ mình bị dị ứng, chị lại ra hiệu thuốc mua thuốc dị ứng về uống. Khi cơ thể nổi ban đỏ, nốt mụn nước nhiều chị mới vào viện khám. Các bác sỹ cho biết chị đã bị dị ứng thuốc nặng khiến gan bị nhiễm độc.

Tại trung tâm cũng có nhiều trẻ nhỏ phải vào điều trị do việc lạm dụng kháng sinh của cha mẹ. Khi thấy con đi ngoài phân lỏng, mẹ cháu Nguyễn Đức Huy (5 tuổi) đã ra hiệu thuốc mua Biseptol theo đơn cũ của bác sỹ kê trước đó gần một năm. Ngoài ra, chị mua thêm lọ thuốc xi rô và một loại kháng sinh khác để cho con uống cho nhanh khỏi. Nào ngờ khi cho con uống thì cháu nổi mần đỏ toàn thân, ngứa, đau bụng, đi ngoài. Đến viện khám các bác sỹ cho biết cháu bị dị ứng thuốc kháng sinh.

Rất nhiều người lạm dụng kháng sinh phải vào viện điều trị. Ảnh: P.T

Để tìm hiểu rõ hơn thói quen tự ý dùng thuốc của người dân, PV Báo GĐ&XH đã khảo sát một số hiệu thuốc trên đường Khương Trung, phường Láng Hạ (Đống Đa- Hà Nội). Đa số các loại thuốc người dân tự mua là thuốc ho, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu... Tại một cửa hàng thuốc trên đường Láng Hạ, trong vai người đi mua thuốc, PV hỏi chủ hàng: "Cháu nhà em bị sốt và ho hơn một ngày rồi, chị xem có thuốc nào tốt không bán cho một ít".

Không cần đơn thuốc, không một lời hỏi han xem xét về bệnh tình bệnh nhân, người bán hàng liền lấy ra một hộp kháng sinh Clamoxyl, một lọ Tiffy và một lọ giảm ho Muscomyst  và dặn: "Cứ cho cháu uống theo chỉ dẫn trong hộp, nếu không bớt mai ra đây đổi thuốc khác". Thấy tôi có vẻ ngần ngại, đứng cạnh tôi, chị Nguyễn Thị Hồng (Láng Hạ, Hà Nội) đi mua thuốc cho con nói rằng: Con nhà tôi cũng hay bị vậy, chỉ cần bác sỹ kê đơn một lần là lần sau mình ra hiệu thuốc mua. Chỉ cần mô tả triệu chứng bệnh cho người bán là được tư vấn loại phù hợp ngay, đỡ mất công vào viện. Không đúng thuốc thì mình đổi, còn tốt thì áp dụng lần sau.

Theo quan sát của PV, chỉ trong buổi chiều, có rất nhiều người vào hỏi mua thuốc ho, cảm cúm, thuốc đau dạ dày, thuốc chữa dị ứng nhưng đều không có đơn thuốc của bác sỹ. Vậy mà, chỉ sau vài câu hỏi lấy lệ, chưa tới 5 phút, khách hàng đã có những loại thuốc mình cần dùng.

Tăng khả năng kháng thuốc

"Để tránh dị ứng, kháng thuốc, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị. Cần sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều lượng quy định, đủ liều mỗi lần dùng và đủ số lần, số khoảng cách trong ngày theo chỉ định của thầy thuốc. Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết vì thuốc có thể gây phản ứng dị ứng, mẫm cảm, có khi bị sốc phản vệ dễ dẫn đến tử vong".

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, trung bình hàng ngày có hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị do dị ứng thuốc. Tỷ lệ dị ứng thuốc gần đây tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Trong các trường hợp di ứng thuốc, đa phần là dị ứng thuốc kháng sinh. Kết quả nghiên cứu từ hơn 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1981 - 2005 cho thấy, trong 28 nhóm gây dị ứng thì kháng sinh chiếm 75,7%, Đông y: 6%, hạ sốt, giảm đau, chống viêm: 5,2%. Qua điều tra 814 người điều trị nội trú, tỷ lệ tử vong là 1,6%.

Nhóm kháng sinh cũng là nguyên nhân đầu tiên, chủ yếu gây ra các phản ứng dị ứng như: Sốc phản vệ, mày đay, phù quincke, viêm da tiếp xúc, đỏ da toàn thân, hội chứng Stevens-Johnson và Lyell... 60% trường hợp ngộ độc hay sốc thuốc phản vệ là do người bệnh tự mua thuốc về điều trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên nhân dẫn tới tình trạng dị ứng, kháng thuốc tăng là do việc lạm dụng thuốc ở trong cộng đồng. Nhiều người bệnh tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh nên mua thuốc về tự điều trị mà không cần đơn của bác sỹ. Có những bệnh không cần dùng kháng sinh cũng tự ý mua kháng sinh dùng, ví dụ như hắt hơi sổ mũi, tiêu chảy, sốt virus, viêm họng... Trong khi đó, thầy thuốc lại lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bao vây, dùng quá nhiều. Dược sỹ không có đơn cũng bán thuốc, thậm chí còn tự kê đơn cho bệnh nhân.

Kháng sinh cũng như các loại thuốc khác, ngoài tác dụng chữa bệnh, nó còn có những tác dụng không mong muốn và phản ứng phụ gây độc hại đối với người dùng. Việc lạm dụng kháng sinh còn tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn, làm lu mờ các triệu chứng bệnh lý, cản trở việc chẩn đoán bệnh. Lạm dụng kháng sinh ngay những năm đầu đời còn nguy hiểm hơn vì trẻ dễ nhờn thuốc, tăng sức công phá của vi khuẩn với cơ thể, gây ra những bệnh nguy hiểm khác.

Siêu vi khuẩn kháng thuốc

Với sự phối hợp của các chuyên gia của Đại học Oxford (Anh), BV Bệnh nhiệt đới TƯ vừa công bố kết quả nghiên cứu siêu vi khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết: "Hiện chưa có công bố nào về sự xuất hiện vi khuẩn mang gen mã hóa cho enzym NMD-1 ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, bệnh viện cũng đã thấy một trường hợp bị nhiễm trùng huyết do K. pneumoniae có gien kháng thuốc NDM-1. Rất may bệnh nhân này đã được cứu sống.

Các trang thiết bị hiện đại của phòng labo hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát hiện và điều trị sớm, hạn chế tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc phải các vi khuẩn đa kháng thuốc".

Cũng theo TS Nguyễn Văn Kính, hàng năm bệnh viện thường tiếp nhận những bệnh nhân bị các bệnh nhiễm trùng nặng, kể cả các trường hợp dịch bệnh. Qua các xét nghiệm, sàng lọc, nghiên cứu được tiến hành trên 10 chủng vi khuẩn K. pneumoniae phân lập từ đờm của bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Kết quả nghiên cứu có vai trò quan trọng trong việc khám, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân bị các bệnh nhiễm trùng nói chung và nhiễm khuẩn nói riêng.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện, trong đó phải cảnh báo tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam.

Vân Khánh

Phương Thuận - Thu Bích

0 comments:

Post a Comment